Thi công hoàn thiện nội thất là một công việc đòi hỏi sự am hiểu tổng quát về vật liệu hoàn thiện, trang thiết bị, đặc tính và cách thức thi công của từng hạng mục. Mỗi một công trình sẽ có rất nhiều hạng mục cần thi công hoàn thiện nội thất như : xây lại tường ngăn, ốp lát gạch, lắp đặt hoặc bổ sung đường dây điện, đường ống cấp thoát nước, đường ống ga cho máy điều hòa, lắp đặt hệ trần treo trang trí, sơn tường, lát sàn gỗ, lắp dụng vách, cửa kính, đóng đồ gỗ, lắp hệ thống đèn chiếu sáng … và rất nhiều công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ khác nữa.
Không giống như việc xây dựng cơ bản (xây dựng phần kết cấu và hoàn thiện xây dựng ở mức độ tối thiểu) với sự thay đổi công nghệ và cách thức thi công chậm chạp, thi công hoàn thiện nội thất luôn luôn phải cập nhật do sự phát triển nhanh chóng của vật liệu, công nghệ và cách thức lắp đặt. An toàn cho con người và cho công trình là yếu tố quan trọng nhất của thi công xây dựng cơ bản, còn đối với việc thi công hoàn thiện nội thất yếu tố thẩm mỹ và tính linh hoạt về sử dụng vật liệu được đặt lên hàng đầu.
Các công ty chuyên thiết kế và thi công nội thất, các kiến trúc sư, kỹ sư hoặc nhà thiết kế trẻ tuổi và năng động sẽ có lợi thế về sự cập nhật vật liệu và công nghệ hơn so với các công ty xây dựng đơn thuần, hoặc công ty chỉ chuyên một hạng mục. Thực tế sẽ không có một công ty nào có thể tự sản xuất, lắp đặt được toàn bộ các hạng mục cần hoàn thiện nội thất, vì số đầu mục công việc rất nhiều với tổng số lượng công nhân lên tới vài chục người đến cả trăm người cho tổng số tất cả các đầu việc. Do đó, để công việc được thực hiện trôi chảy rất cần một cá nhân hay một công ty có năng lực đứng ra làm tổng thầu để phân bổ và điều phối công việc thi công. Đây chính là nhà thầu thi công nội thất của chủ đầu tư, hay còn gọi là nhà thầu chính, và chủ đầu tư chỉ cần làm việc với nhà thầu chính này thôi. Các đơn vị cung cấp vật tư, sản phẩm riêng lẻ như sàn gỗ, cửa nhựa, vách kính, giấy dán tường …hoặc thi công từng hạng mục nhỏ như lắp đặt điều hòa, hệ thống an ninh … được gọi là nhà thầu phụ, làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà thầu chính.
Nhà thầu (nhà thầu chính) không cần chuyên sâu về sản xuất hay lắp dựng một hạng mục cụ thể, mà quan trọng là có kiến thức tổng quát, kinh nghiệm chỉ đạo thi công và hiểu rõ ý đồ thiết kế cũng như mong muốn của chủ đầu tư sẽ hoàn thành tốt được công việc thi công hoàn thiện nội thất.